Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Nghiện game – căn bệnh âm thầm gây trầm cảm

Nghiện game – căn bệnh âm thầm gây trầm cảm

Thứ Sáu, 10/10/2014, 16:38:00
     NDĐT- Năm năm trước, khi đang là du học sinh ở Singapore, N.V.Đ (Gia Lâm – Hà Nội) phải tạm dừng việc học để về Việt Nam điều trị do chứng nghiện game. Trở lại Singapore, tốt nghiệp rồi đi làm, Đ. lại tái nghiện. Nghiện game khiến cho cuộc sống của cậu trở nên khốn khổ, tính cách thay đổi và bị trầm cảm.


Rối loạn tâm thần về nghiện game đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh: kienthuc.net.vn)

     Sau khi về Việt Nam cai nghiện thành công, N.V. Đ trở lại Singapore, hoàn thành việc học và xin được việc làm ở một công ty phần mềm. Tuy nhiên, được một thời gian Đ. lại lâm vào cảnh “tái nghiện” game online. Những đêm không ngủ cày game tái diễn, sáng nào cậu cũng đến công ty muộn và trong tình trạng vật vờ thiếu ngủ. Công việc chểnh mảng, tiền lương nhận lại chẳng được bao nhiêu vì bị trừ do thiếu kỷ luật lao động. Mất việc rồi lại xin việc mới, nhưng không công ty nào chịu nhận Đ. lâu cả. Thời gian này, bố Đ. phải nghỉ việc sang Singapore chỉ để “canh” cho con uống thuốc. Nhưng có nhiều hôm Đ. báo ở lại công ty làm việc, thực chất là chơi game không chịu về nhà.
     Để tiện quản lý con, bố Đ. “lôi” cậu về Việt Nam. Những ngày ở nhà không có tiền chơi game, Đ. thường lang thang ở ngoài đường, cáu gắt và không muốn tiếp xúc với ai. Cuối cùng, bất lực, bố mẹ cậu phải “cưỡng chế”, buộc cậu vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để điều trị lần thứ hai. Mất ba tháng điều trị nội trú, tình trạng của Đ. khá hơn và được cho về nhà tiếp tục điều trị. Hiện nay, Đ. mới kiếm được việc làm, tuy nhiên Đ. vẫn cục cằn, ít nói.
     Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, điều trị chứng nghiện game không khó nhưng sự thay đổi về nhân cách thì khó có thể phục hồi được. Nghiêm trọng hơn, việc nghiện game có thể dẫn đến bệnh trầm cảm, tự sát.
     Trường hợp L.P.N, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội là một ví dụ. N. được đưa đến bệnh viện khi phát hiện ra có hành vi tự sát. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ kết luận sinh viên này bị trầm cảm do nghiện game nặng. Sau thời gian điều trị, cách ly với môi trường hằng ngày và phương tiện chơi game, ăn uống điều độ, đúng giờ, N. dần dần tăng cân và hồi phục.
     Bác sĩ Cương cho biết, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Những người này thường có tâm lý chán nản, do các trò chơi đối với họ quá đơn giản nên cảm thấy không còn gì thú vị để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách
     Bác sĩ La Đức Cương cho biết, rối loạn tâm thần do nghiện game là một trong 10 rối loạn thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có con số điều tra cụ thể, tuy nhiên qua thực tiễn điều trị, số lượng bệnh nhân điều trị tâm thần do nghiện game đang gia tăng theo từng năm và chủ yếu là người trẻ. Thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều do người nghiện game luôn giấu diếm, không chịu thừa nhận. Các bậc cha mẹ thường không chú ý đến vấn đề này và cũng e ngại khi đưa con đến bệnh viện tâm thần điều trị, thường bao che cho con.
Bác sĩ La Đức Cương trả lời phỏng vấn.
     “Tôi đã từng mất ba năm kiên trì thuyết phục gia đình một người bạn để họ đưa con đến bệnh viện điều trị, trong khi đó chỉ sau nửa tháng điều trị cháu đã có những chuyển biến kịp thời”, bác sĩ Cương kể.
     So với điều trị nghiện rượu hay ma túy, việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc, nguy cơ tái nghiện thấp. Theo thống kê của BV Tâm thần T.Ư 1, có khoảng 1/3 bệnh nhân sau lần điều trị đầu tiên bị tái nghiện, còn sau lần thứ hai thì số bệnh nhân tái nghiện rất ít. Điều trị nghiện game cần phải thay đổi, cách ly môi trường, không cho bệnh nhân tiếp cận với phương tiện chơi game, đồng thời sử dụng thuốc lập lại ăn ngủ.
     Tuy nhiên, bác sĩ Cương nhấn mạnh, việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian. Người nghiện game thường thay đổi tính cách như hay nói dối, gắt gỏng, dễ bị kích động, lầm lì, dễ mất bình tĩnh, thích bạo lực, đập phá đồ đạc. Chưa kể, vì không có tiền chơi game, nhiều trẻ sẵn sàng ăn trộm để thỏa mãn nhu cầu. Game âm thầm phá hủy năng lực học tập, nhân cách của trẻ, ảnh hưởng cuộc sống và chất lượng lao động. Ông dẫn chứng nước Nhật gần như mất cả một thế hệ chỉ vì chứng nghiện game.
     Hiện nay, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính từ sớm. Nếu hôm nay trẻ chỉ chơi game một phút, rồi chơi tăng lên mỗi ngày, dần dần thời gian dành cho game có thể năm đến sáu tiếng một ngày. Trẻ bị nghiện game từ lúc nào không hay. Nhiều trẻ khi điều trị cho biết, lúc nào cũng có cảm giác màn hình máy vi tính vô hình ở trước mặt mình, mọi tâm trí đều tập trung vào đấy và không có ý thức đến sự việc ở xung quanh.
     Theo bác sĩ La Đức Cương, gia đình cần chú ý đến việc chơi game của trẻ. Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm.
AN NGUYÊN

Theo http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/tieu-diem/item/24535602-nhieu-ho-tro-cho-y-te-dien-bien.html

Dễ "thăm" bệnh viện vì Pokemon Go

Dễ "thăm" bệnh viện vì Pokemon Go

Trò chơi đang sốt ở giới trẻ Pokemon Go tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe tâm thần và cả những tai nạn thương tích không đáng có vì sự chăm chú bắt Pokemon khi đang di chuyển trên đường.


Hú hồn vì giới trẻ săn Pokemon


Mấy ngày gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội chia sẻ hàng loạt hình ảnh giới trẻ phát sốt vì “săn” Pokemon cùng với đó là những lời phàn nàn: “Cứ thấy đi rề rề, dù là đang lái xe máy, hay ô tô là thể nào cũng đang “bắt” Pokemon. Thậm chí có người đang lái xe, dừng đột ngột giữa đường, chúi mắt vào điện thoại”; “Hú hồn, hôm nay suýt thì “vồ” vài hai em gái đang chở nhau bằng xe đạp điện, vừa đi vừa săn Pokemon ở gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám”….





Pokemon Go tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người chơi quá chăm chú vào màn hình, di chuyển khi chơi rất dễ gây tai nạn. Ảnh: Đ.A


“Cơn sốt” săn Pokemon cũng đã vào đến bệnh viện khi các bác sĩ liên tục cảnh báo những nguy cơ của trò chơi dễ gây nghiện, mất tập trung này.


Ths.BS Lê Thị Thu Hà, Phòng điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), cảnh báo: “Pokemon Go là trò chơi bằng hình ảnh rất dễ gây nghiện. Không chỉ nghiện, mà nó có thể gây nguy hiểm cho chính người chơi, cho những người xung quanh vì tính chất di chuyển của nó.


Thử hỏi, đi đường bình thường đã tiềm ẩn bao rủi ro, đụng chạm xe cộ, nay vừa đi vừa chúi mắt vào điện thoại để bắt Pokemon, không tập trung trong tích tắc khi lái xe, khi sang đường là có thể gặp tai nạn”.


BS Hà đặc biệt lo ngại khi trào lưu chơi trò chơi này rơi vào giới trẻ, việc kiểm soát sẽ khó hơn người lớn.


Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) lo ngại vấn nạn Pokemon trong trường học, khi mà học sinh, lứa tuổi nhỏ kiểm soát mình khó hơn, có thể gây nghiện, bỏ bê học hành, có những hành vi mất an toàn khi săn Pokemon.


BSCK II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng cho rằng, với sự mới lạ và hấp dẫn của Pokemon Go sẽ khiến nhiều người say sưa và có những hành vi thiếu an toàn vì sự mê đó, không chỉ là những hành vi vì nghiện game mà cả tai nạn thương tích khi đang mải mê săn Pokemon.


Theo BS Cương, tất cả những trò chơi nào cuốn hút sẽ gây nghiện rất nhanh. Mỗi ngày chỉ cần chơi tăng thêm 1-5 phút thì chỉ vài tháng là nghiện rồi. Từng đó thời gian, 1 ngày thì không thấy tiếc nhưng nhân lên 360 ngày thì nó là quãng thời gian không ít, chưa kể cấp độ nghiện sẽ ngày càng tăng lên, vài chục phút đến cả tiếng mỗi ngày.


Từ nghiện game đến ma túy: giới hạn mong manh


BS Hà cho biết, trong những bệnh nhân nghiện game bác sĩ từng chữa trị, chủ yếu là rơi vào người trẻ, học sinh, sinh viên. Trong đó, bác sĩ nhớ mãi cậu sinh viên năm 3 đã bị đuổi học vì nghiện game, bỏ bê học hành, thi cử. Khi bị đuổi học, về quê, cứ 7 giờ tối là gia đình thấy cậu nhảy sang nhà hàng xóm bỏ hoang, ngồi thiền hàng vài tiếng đồng hồ ở bậc thềm, hỏi không nói, gọi không thưa. Cứ nghĩ bị trầm cảm, gia đình đã đưa nam thanh niên đến Viện sức khỏe tâm thần khám.


“Em sinh viên nói với tôi, khi ở Hà Nội, cứ đến giờ này là cậu bắt đầu chơi game. Về nhà không có game, bí bách không thể chịu được. Như một phản xạ, cậu chạy sang nhà hàng xóm bỏ hoang, ngồi thiền để tưởng tượng lại như mình đang chơi game”, BS Hà nói.


Theo BS Hà, bất kể trò chơi nào cũng dễ gây nghiện đặc biệt ở người trẻ do việc kiểm soát bản thân chưa tốt. Việc chơi game xuyên đêm khiến người chơi gầy sút cân, không tập trung đến thế giới xung quanh, mất các mối quan hệ gia đình, bạn bè. Khi cần chơi có thể “xoay” tìm mọi cách để có tiền, hay dùng chất kích thích để tỉnh táo khi thức xuyên đêm chơi game.



BS Cương cũng chia sẻ về nhiều trường hợp nghiện game nặng phải nhập viện, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng nhưng vẫn có thể ngồi xuyên đêm chơi game. Người nghiện game ngơ ngơ, rối loạn tâm thần kéo dài, mệt mỏi, suy nhược do chỉ sống trong thế giới ảo trên game… Không ít người đã tìm đến ma túy để tỉnh táo mà không cần ăn, không cần uống, không cần ngủ, vượt qua tình trạng suy nhược đó.


Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy con nghiện game, cha mẹ phải có giải pháp mạnh chứ không dừng ở khuyên nhủ. Tuy nhiên rất nhiều gia đình ngại đưa con đến viện vì không nghĩ “nghiện game” là bệnh.


Nếu thấy trẻ chăm chú vào trò chơi gì đó liên tục trong 1 tiếng trở lên không dứt - đó đang là những dấu hiệu đầu tiên của sự cuốn hút không thể rời. Hãy giải thích, nghiêm khắc với trẻ để tránh tình trạng trẻ đam mê dẫn đến nghiện game.


Còn khi con đã nghiện game, hãy mạnh dạn đưa con đi khám, bác sĩ có kinh nghiệm, sự động viên, thuốc hỗ trợ… sẽ giúp người nghiện nhanh qua được cảm giác thèm muốn chơi game.


Với trò Pokemon Go, BS Hà cho rằng khó cấm đoán vì smartphone giờ quá phổ biến, bố mẹ cấm con cái vẫn chơi lén lút. Vì thế, sự giải thích, khuyên nhủ trẻ là rất cần thiết. Hãy giải thích cho trẻ những nguy cơ, hậu quả có thể gặp phải khi chăm chú bắt Pokemon khi đang đi đường, sự bất cẩn trong 1 tích tắc có thể trả giá bằng tính mạng.


Còn PGS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, bất cứ trò chơi nào có thể gây nguy hại cho cộng đồng thì phải cấm. Pokemon Go đang là một trò chơi như vậy. Theo ông nên cấm vì người chơi chủ yếu là giới trẻ, kiểm soát bản thân khó, dễ gây nghiện và tai nạn thương tích cho chính mình và cộng đồng vì vừa đi vừa săn Pokemon.



Hồng Hải

Theo http://dantri.com.vn/suc-khoe/de-tham-benh-vien-vi-pokemon-go-20160815065104147.htm

Nghiện Pokémon Go: Coi chừng loạn thần

Nghiện Pokémon Go: Coi chừng loạn thần

21/08/2016 21:40

Các bác sĩ tâm thần cảnh báo cơn khát săn tìm Pokémon GO có thể gây nghiện và là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần

Mục đích ban đầu của các nhà sản xuất trò chơi Pokémon GO là muốn kéo những đứa trẻ thụ động ra khỏi nhà, khuyến khích chúng vận động nhiều hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ (BS) cho rằng càng ngày Pokémon GO càng bộc lộ nhiều tác hại đến sức khỏe người chơi.
Nhập viện vì game
BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương I, cho biết thời gian gần đây, ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn về hội chứng nghiện game, trong đó có trò chơi Pokémon GO.
“Họ kể với tôi về việc họ bị cuốn vào đam mê và vô cùng thích thú khi săn được những con Pokémon. Do say mê “đi săn” nên công việc, nề nếp ăn ngủ đều đảo lộn, nếu người thân giục giã là họ cáu gắt. Trò chơi có vẻ tương tác với thiên nhiên nhưng thực tế vẫn nhốt kín người chơi trong thế giới ảo. Bởi lẽ, dù đi lang thang ngoài đường hay chui rúc vào bụi rậm thì mắt và bộ não người chơi vẫn chăm chú vào màn hình điện thoại, vui vẻ với các con thú ảo” - BS Cương phân tích.
Theo BS Cương, với sự mới lạ và hấp dẫn, Pokémon GO đang khiến giới trẻ say sưa và dự báo sẽ có nhiều em phải vào viện tâm thần điều trị vì nghiện trò chơi này. “Khi trò chơi gây cuốn hút thì không chỉ giới trẻ mà nhiều đối tượng khác cũng rất dễ ham thích, dần lạm dụng và dẫn đến nghiện” - BS Cương cảnh báo.
Từ thực tế điều trị cho rất nhiều trường hợp nghiện game, BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần trung ương - BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng các game thường đánh vào trí tò mò, thích mới lạ, sôi động của giới trẻ. “Tuy nhiên, nếu mải chơi game sẽ không còn thời gian dành cho việc khác, sẽ mất ngủ. Khi cơ thể mất ngủ sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi, dễ dẫn đến stress - nguyên nhân của hàng loạt rối loạn tâm thần. Chưa kể, nghiện chơi game còn dẫn đến các hậu quả khác như bị cướp giật, bị tai nạn… Bất cứ trò chơi nào có thể gây nguy hại cho cộng đồng thì phải cấm. Pokémon GO đang là một trò chơi như vậy” - BS Dũng nhấn mạnh.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã lắp biển cảnh báo “Không Pokémon GO khi tham gia giao thông” Ảnh: Hoàng Triều
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã lắp biển cảnh báo “Không Pokémon GO khi tham gia giao thông” Ảnh: Hoàng Triều
Trầm cảm, giết người
Cảnh báo nguy cơ rối loạn tâm thần do nghiện chơi game trong giới trẻ đang ở mức cao, BS Cương cho biết số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do chơi game có xu hướng gia tăng vì hiện nay, thanh thiếu niên có nhiều điều kiện tiếp xúc công nghệ điện tử. Hình ảnh các bạn trẻ thường xuyên “cắm mặt” vào điện thoại, máy tính với những giao tiếp ảo, niềm vui chiến thắng ảo dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu chơi game liên tục 7 giờ/ngày trở lên (thậm chí có trường hợp còn dùng ma túy đá để tỉnh táo khi thức xuyên đêm chơi game) thì dễ gây ra rối loạn tâm thần khiến cơ thể bị suy nhược, trầm cảm, thiếu khả năng kiểm soát về hành vi và có thể dẫn đến tự tử, giết người.
Theo giới chuyên môn, một người được xem là nghiện game khi chơi trò này ngay tại nơi làm việc, nơi công cộng, chơi cho đến khi ngủ và ngay sau khi thức dậy. Tác hại của việc nghiện game được so sánh tương tự nghiện ma túy, thậm chí được coi là những loại bệnh lý về tâm thần.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy chơi game thường xuyên khiến người chơi phải tiếp xúc trực tiếp màn hình điện tử có phản quang sắc xanh liên tục trong nhiều giờ. Đây là nguyên nhân khiến cơ thể hạn chế tiết ra chất melatonin - một hormone quan trọng có tác dụng điều hòa chu kỳ sinh học và giấc ngủ. Càng mê chơi game càng gây hưng phấn, làm giảm thời gian dành cho việc ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ, tổn thương não bộ. Muốn cai nghiện game, quan trọng nhất là gia đình phải phối hợp với các BS, tách hẳn “bệnh nhân” ra khỏi môi trường có thể chơi game.
Đã xuất hiện game giả
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng ATHENA TP HCM, cho biết do không có thời gian chơi Pokémon GO nên nhiều người đã tìm mua lại các tài khoản “xịn” của game hoặc thuê người “cày”. Để có level cao, sở hữu nhiều Pokémon, một số người đã tìm cách gian lận rồi bán lại cho người chơi khác hoặc nhanh chóng hoàn thành việc “cày thuê”. Nếu nhà phát hành game phát hiện các tài khoản này gian lận, họ sẽ khóa ngay, người chơi sẽ vĩnh viễn không thể chơi lại được và tiền mua tài khoản chắc chắn sẽ mất. Người mua hoặc người thuê không thể kiện vì các giao dịch này thường thực hiện qua mạng, không có gì làm bằng chứng.
Theo ông Tạ Đức Thiện, chuyên gia của Bkav, Pokémon GO đang gây sốt nên đã xuất hiện game giả mạo khiến smartphone của người dùng có thể bị tấn công. Mã độc này có nhiều tính năng độc hại như: tự động cài ứng dụng bất kỳ theo yêu cầu của hacker lên điện thoại nạn nhân, bật camera, micro để quay phim, thu âm, ghi lại tất cả cuộc gọi và tin nhắn của chủ nhân thiết bị…, đồng thời gửi các thông tin đánh cắp được cho hacker.
Ch.Trung
Ngọc Dung

Theo http://nld.com.vn/ban-doc/nghien-pokemon-go-coi-chung-loan-than-20160821213107361.htm

“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần”

“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần”

Thứ Ba, ngày 09/08/2016 19:00 PM (GMT+7)

“Nếu giới trẻ cứ say sưa với Pokémon GO chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và buộc phải vào viện tâm thần điều trị”, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cảnh báo.

“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần” - 1
Một tay lái xe máy, một tay cầm điện thoai và mắt dán vào màn hình smartphone.
Chơi nhiều sẽ trầm cảm
Trong mấy ngày gần đây, không khó để bắt gặp cảnh các chàng trai, cô gái vật vờ săn cho bằng được Pokémon. Trò chơi này đã len lỏi mọi ngóc ngách, mọi đường phố hay thậm chí tại bệnh viện cũng thấy một vài nhân viên săn Pokémon.
Một bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện nhân viên của mình đuổi bắt Pokemon sau khi nhận thấy trò chơi này đã tạo nên cơn sốt, làm bùng nổ cộng đồng yêu thích game, ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như trong cuộc sống.
Anh kể: “Chiều qua có 2 cô học viên cứ đứng lấp ló cửa phòng mình. Sáng nay hỏi có việc gì 2 bé mới bảo: Hôm qua trong phòng chú có 2 con Pokémon khỏe lắm mà bọn cháu không dám vào bắt”.
Trước thực trạng giới trẻ Việt đang phát cuồng vì Pokémon GO, thanh niên say sưa đi “săn lùng” Pokemon, thậm chí nửa đêm vẫn có rất nhiều người lao ra đường để tìm Pokémon, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cảnh báo: “Nghiện Pokemon là một bệnh lý tâm thần”.
Theo bác sỹ La Đức Cương, nhiều người nghiện game rồi trầm cảm, có hành vi tự sát. Ông kể: Cách đây không lâu, có một sinh viên năm thứ 2 Đại học tự sát do nghiện game. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện sinh viên này bị trầm cảm do nghiện game nặng.
“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần” - 2
Bác sĩ La Đức Cương cảnh báo, nghiện chơi game sẽ khó phục hồi nhân cách
Theo thông tin từ bác sĩ La Đức Cương, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương có rất nhiều người tới viện khám và điều trị tâm thần do nghiện game, nghiện internet… Đặc biệt, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ có tâm trạng chán ngán, không còn gì để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.
“Nếu giới trẻ cứ say sưa với Pokémon GO chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và vào viện tâm thần điều trị”, bác sĩ Cương nói.
Khó phục hồi nhân cách
Bác sĩ Cương phân tích, việc “cắm mặt” đầu vào điện thoại, máy tính, vào những giao tiếp ảo làm cho thế giới của nhiều người trẻ thu hẹp lại. Thời gian dành cho thế giới ảo qua màn hình vi tính ngày càng nhiều còn thời gian, giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén đi. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, thì giới trẻ càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo".
Những người nghiện game, internet thường thiếu khả năng kiểm soát về hành vi. Từ đây có thể dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả việc tự tử, giết người. Người chơi game quá độ và lâu dài cũng có thể bị chính những trò chơi đó ám ảnh không phân biệt được đâu là thật, đâu là game, đưa game ra cuộc sống thật, coi mọi hành động ở cuộc sống thật như trong game.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, với những người nghiện game nói chung và nghiện trò chơi Pokémon GO khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt.
Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để chơi thì mới cảm thấy yên tâm. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.
Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).
Do đó, bác sĩ Cương khuyến cáo, mọi người phải nhận thức được tác hại của game; Phụ huynh phải khuyên giải con trẻ. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian.
Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì hiện nay, giới trẻ em có điều kiện tiếp xúc với đồ công nghệ. Nếu hôm nay chơi game một phút, chơi tăng lên mỗi ngày thì một năm sau có thể chơi game sáu tiếng một ngày.
Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm, cắt nghiện.
Theo Diệu Thu (Dân Việt

Bác sĩ La Đức Cương cảnh báo: ‘Quá nghiện Pokémon GO’ có nguy cơ mắc bệnh tâm thần

Bác sĩ La Đức Cương cảnh báo: ‘Quá nghiện Pokémon GO’ có nguy cơ mắc bệnh tâm thần




Việc dán mắt vào màn hình để dò Pokemon dễ biến người chơi trở thành 'mồi ngon' cho kẻ cướp. (Ảnh: Intenet)

Trong mấy ngày gần đây, không khó để bắt gặp cảnh các chàng trai, cô gái vật vờ săn cho bằng được Pokémon. Trò chơi này đã len lỏi mọi ngóc ngách, mọi đường phố hay thậm chí tại bệnh viện cũng thấy một vài nhân viên săn Pokémon.
Theo đó, khi tham gia chơi trò Pokemon Go, người chơi không được ngồi một chỗ như những trò chơi bình thường khác mà phải di chuyển ra đường, nơi được cho là có Pokemon. Chính điều này đã xảy ra khá nhiều tình huống dở khóc dở cười đối với người chơi như tại Hà Nội, vào ngày 9/8, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hàng chục trường hợp đi xe sai luật như dùng điện thoại khi điều kiển xe máy, đi xe máy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm và dừng đỗ sai quy định.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng trong ngày 9/8, một trường hợp vì quá chăm chú chơi Pokemon Go nên đã bị kẻ xấu cướp mất chiếc điện thoại iPhone. Đó là những lời cảnh tỉnh đối với những tính đồ của trò chơi này.


Người chơi Pokemon Go liên tục phải di chuyển để dò bắt Pokemon. (Ảnh: Screenrant)

Trước trào lưu trên, nhiều chuyên gia nhận định sẽ rất nguy hiểm cho người chơi cả về vấn đề an toàn bản thân, cũng như đảm bảo sức khỏe và kết quả cuối cùng là những công việc và học tập sẽ không hoàn thành tốt. Thậm chí  bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương còn cảnh báo: ‘Nghiện Pokémon GO là một bệnh lý tâm thần’.

Ông cho rằng, việc chơi và nghiện trò Pokemon Go cũng giống như nghiện bất cứ trò chơi nào khác, nó sẽ mang lại ảo giác, cảm giác sống ảo và lâu dần sẽ tưởng mình hóa thân vào nhân vật mà xa rời cuộc sống đời thực, từ đó dẫn đến trầm cảm, đó là một biểu hiện của tâm thần.

Ông cũng chia sẻ, với những người nghiện game nói chung và nghiện trò chơi Pokémon GO khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt.

Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để chơi thì mới cảm thấy yên tâm. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh. Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).

Bác sĩ La Đức Cương trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Nhandan)
Do đó, bác sĩ Cương khuyến cáo, mọi người phải nhận thức được tác hại của game, phụ huynh phải khuyên giải con trẻ. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian.
‘Nếu giới trẻ cứ say sưa với Pokémon GO chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và vào viện tâm thần điều trị’, bác sĩ Cương nói.
Ông cũng nói thêm rằng, trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm, cắt nghiện.

Phong Vân (tổng hợp)
 Theo http://ins.daikynguyenvn.com/?p=124840

Nguy cơ vào viện tâm thần vì ham bắt Pokemon

Nguy cơ vào viện tâm thần vì ham bắt Pokemon

Các chuyên gia lo ngại sự gia tăng các bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện game, đặc biệt sự gia nhập của trò chơi Pokemon mới đây tại Việt Nam.
Có thể tự tử, giết người
TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi có game mới lạ như Pokemon Go gần đây, xu hướng chung của giới trẻ luôn muốn chơi, tìm tòi để khẳng định mình. Chơi rồi ham mà không biết mình nghiện lúc nào.
Pokemon Go, Pokémon, nghiện game, Bệnh viện Tâm Thần, điều trị nghiện game, cai game, tâm thần, bệnh tâm thần
Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm luôn chen chúc game thủ rình bắt Pokemon. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo TS Dũng, khi chơi game có 4 mức độ: Chơi một chút, chơi từng đợt, lạm dụng và cuối cùng là nghiện. Khi nghiện sẽ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, giảm thích thú. Nếu chơi quá 7 tiếng/ngày sẽ gây ra rối loạn tâm thần.
“Khi rối loạn tâm thần kéo dài sẽ gây mệt mỏi, suy nhược, có những hành vi khác lạ, thiếu kiểm soát có thể dẫn đến tự tử hoặc tấn công dữ dội nhất là giết người”, TS Dũng cảnh báo và cho biết nghiện game cũng nguy hiểm như nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện sex…
BSCK II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng cho rằng, với sự mới lạ và hấp dẫn của các game gần đây, đặc biệt là Pokemon Go đang khiến giới trẻ say sưa và dự báo sẽ có nhiều trường hợp phải vào viện tâm thần điều trị.
“Tất cả những trò chơi nào cuốn hút sẽ gây nghiện rất nhanh. Mỗi ngày chỉ cần chơi tăng thêm 1-5 phút thì chỉ vài tháng là nghiện rồi. Với những bé 10-12 tuổi, bố mẹ có thể cấm được nhưng những thanh niên 16-17 tuổi thì bất lực”, BS Cương nói.
Nguy cơ mất một thế hệ
BS Cương cho biết ông đã từng gặp nhiều trường hợp nghiện game nặng vào viện không đi lại được, phải có người dìu như trường hợp một nam sinh viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách Khoa Hà Nội.
“Cậu thanh niên này không chịu ăn uống khiến cơ thể suy kiệt nghiêm trọng, chỉ nằm một chỗ, không đi lại được nhưng vẫn có thể ngồi dậy để chơi game. Gia đình làm mọi cách cũng không thể kéo con ra khỏi màn hình”, BS Cương chia sẻ.
Theo BS Cương, với những người nghiện game nặng, trước mặt luôn hiện ra một màn hình ảo nên bố mẹ có khuyên ngăn cũng chỉ nghe để đó, biết là sai mà không thể cai được.
Ngoài tác hại đến sức khỏe, dần dần người nghiện game bị biến đổi nhân cách sâu sắc, chống đối gia đình, xã hội, thậm chí hung hãn, tấn công người khác.
Do đó khi thấy con nghiện game, cha mẹ phải có giải pháp mạnh chứ không dừng ở khuyên nhủ. Tuy nhiên ít gia đình muốn tách con và đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị vì coi chữ “tâm thần” nặng nề.
“Có gia đình cho con đến bệnh viện 2-3 tuần xong lại xin về. Có người thì chỉ gọi điện xin tư vấn xong rồi để đó. Không cách ly kịp thời thì đứa trẻ sau đó dễ bị trầm cảm, rối loạn tâm thần”, BS Cương cảnh báo và dẫn chứng cách đây 5-7 năm, Nhật Bản từng mất cả một thế hệ thanh niên vì nghiện game.
BS Cương cho biết, sau khi nhiều bạn trẻ cai nghiện game thành công đã tâm sự rằng rất tiếc nuối vì đã đánh mất quá nhiều thời gian, giờ muốn quay lại cũng không được nữa.
Với những trường hợp nghiện game, các bác sĩ sẽ tập trung cách ly là chính, sau đó dùng các thuốc chữa triệu chứng như thuốc bổ, thuốc trị mất ngủ…
T.Hạnh
Theo http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/pokemon-go-nguy-co-vao-vien-tam-than-vi-ham-bat-pokemon-321049.html

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc BVTTTW1

Bộ Y tế Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc BVTTTW1 
     Thứ sáu, 17/04/2015 - 08:56" GMT+7 

     Hôm nay 15/4/2015, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, GS. TS Nguyễn Viết Tiến - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế đã công bố và trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho ThS.BSCKII La Đức Cương...


     Tham dự buổi lễ trao quyết định bao gồm các đồng chí đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế và các đồng chí là cán bộ chủ chốt ở đơn vị khoa, phòng ban trong Bệnh viện. Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã đánh giá cao thành tích lãnh đạo phát triển Bệnh viện và phát triển ngành của BS La Đức Cương. Thứ trưởng kỳ vọng Ban giám đốc BVTTTW1 và cá nhân BS La Đức Cương sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo đưa Bệnh viện ngày một phát triển vững mạnh, xứng đáng là một bệnh viện đầu ngành về tâm thần trong cả nước.

     Tiếp thu và lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ThS. BSCKII La Đức Cương chân thành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế và hứa sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không phụ lòng tin tưởng của Ban cán sự Đảng - Lãnh đạo Bộ Y tế và của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong Bệnh viện.

               Một số hình ảnh lễ trao Quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc BVTTTW1.


     TS. Trấn Viết Hùng – Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế công bố Quyết định của Bộ trưởng bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc BVTTTW1 cho ThS.BSCKII La Đức Cương



     Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao Quyết định bổ nhiệm lại và tặng hoa chúc mừng ThS.BSCKII La Đức Cương.

     Lãnh đạo Bộ Y tế và các đồng chí trong BCH Đảng ủy, BGĐ chụp ảnh lưu niệm trong lễ công bố quyết định và bổ nhiệm chức vụ giám đốc BVTTTW1.


     Các đơn vị chụp ảnh lưu niệm chúc mừng ThS.BSCKII La Đức Cương được bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc BVTTTW1.


     Ban biên tập BỆNH VIỆN TÂM THẦN TRUNG ƯƠNG I: 
     http://www.bvtttw1.gov.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=830&CatID=10&MN=9

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng

"Liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng"

Thứ Ba, 30/06/2015, 10:16 (GMT+7)
(TN&MT) - Đây là Hội thảo do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Valderbilt của Mỹ tổ chức vào ngày 29/6 tại Hà Nội.
Phát biểu lại buổi lễ, TS Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Bệnh Viện Tâm thần trung ương I nhấn mạnh rằng: Trong 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng hoạt động trên thế giới là các vấn đề về tâm thần, dự báo các vấn đề tâm thần sẽ gia tăng một cách bi đát. Cộng đồng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần nói về những vấn đề sức khỏe tâm thần một cách cởi mở, trung thực hơn”.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Tầm nhìn đến năm 2020 sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ hai, chỉ sau các bệnh tim mạch.
Ông La Đức Cương,Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I phát biểu lại buổi lễ
Theo ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Ở Việt Nam, rối loạn trầm cảm chiếm tỉ lệ đến 3,94% dân số. Đây là những con số rất đáng quan tâm. Cơ chế bệnh sinh của rối loạn trầm cảm có nhiều giả thuyết được đưa ra, liên quan đến tâm lí là một trong những giả thuyết được nhấn mạnh. Theo đó, cùng với liệu pháp hóa dược, các liệu pháp tâm lí điều trị rối loạn trầm cảm rất được quan tâm chú ý trong tâm thần học.
Bác sĩ, ThS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: Trầm cảm là một bênh lí vô cùng phức tạp và nghiêm trọng gây ra bởi sự mất cân bằng các chất sinh hóa trong não, có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. triệu chứng trầm cảm có thể bao gồm buồn, vô vọng, không thích thú với những hoạt động trước đây, có vấn đề về giấc ngủ hoặc lúc nào cũng mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể. Có khoảng 10% dân số mắc ít nhất một lần tại thời điểm nào đó trong cuộc đời. Với một người điển hình mắc trầm cảm mà không được điều trị, thì bệnh sẽ kéo dài khoảng một năm, rồi dần qua đi nhưng khả năng tái phát trong tương lai thì khá cao. Nếu ai đó đã bị trầm cảm thì khả năng tái phát khoảng 50% nếu không nhận được điều trị phù hợp, hơn nữa hậu quả có thể rất nặng nề. Khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời và khoảng 4% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát.

Toàn cảnh buổi Hội thảo “Liệu pháp tâm lí trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng
Từ năm 2009 – 2011, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Đại học Vanderbilt, mô hình thử nghiệm điều trị trầm cảm bằng liệu pháp kích hoạt hành vi tại cộng đồng đã được thử nghiệm tại hai tỉnh: Đà Nẵng và Khánh Hòa. Năm 2014, Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đã tổ chức đào tạo hai lớp “Liệu pháp kích hoạt hành vi trong điều trị trầm cảm” với 44 học viên đến từ 18 cơ sở chuyên khoa tâm thần cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh trong cả nước.
Cũng theo ông La Đức Cương: Mặc dù phương pháp điều trị bằng thuốc cho trầm cảm đã được kiểm nghiệm ở Việt Nam và các nước khác, tâm lí trị liệu đã được kiểm chứng ở các nước đã phát triển như Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu nhưng hiệu quả của tâm lí trị liệu ở Việt Nam còn chưa rõ ràng. Trong Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng tổ chức tại Đà Nẵng và Khánh Hòa mới đây, với khoảng 450 bệnh nhân ở các trạm y tế, các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam và Mỹ đã thấy rằng chương trình “Kết hợp đa hợp phần trong chăm sóc trầm cảm” (MCCD) có kết quả khá cao. Chương trình MCCD sử dụng kết hợp cả điều trị bằng thuốc và tâm lí. Kết quả cho thấy rằng sau khoảng 1 – 1,5 tháng điều trị 65% bệnh nhân trầm cảm hết trầm cảm, và sau 6 tháng 77% bệnh nhân không bị tái phát. Hiện tại nhóm nghiên cứu đang làm việc để xác định cách nhân rộng hiệu quả nhất cho chương trình điều trị này ở Việt Nam.
Vũ Vân - Quyết Thắng
Theo_http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201506/lieu-phap-tam-ly-trong-dieu-tri-tram-cam-tai-cong-dong-596803/ 

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Liều thuốc nào để “cai nghiện” Game online?

Liều thuốc nào để “cai nghiện” Game online?


   Game online không khác gì ma túy, nó có một ma lực kì lạ khi đã nghiện rồi thì khó lòng bỏ được. Vậy làm sao để "cai nghiện" Game online? 
     Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, không thể phủ nhận những lợi ích giải trí mà game online đem lại, song việc chơi game liên tục, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe, nhân cách, lối sống, đặc biệt là chứng loạn thần, mất kiểm soát. Điều đó báo trước những thảm họa kinh hoàng trong đời sống thực, khi người chơi bước ra với cách hành xử như trong thế giới ảo. 

     Trao đổi với PV, BS.La Đức Cương, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho hay, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục bệnh nhân nghiện game, số ca bệnh ngày càng gia tăng. Độ tuổi phổ biến là từ 15-25 tuổi, hầu hết là nam giới. Trẻ mê game đến quên ăn, quên ngủ, ngất xỉu trên màn hình, gia đình phải đưa đến bệnh viện. 

   Giới trẻ nghiện game đến mức quên ăn, quên ngủ gây hậu họa khôn lường (Ảnh minh họa). 

     "Nghiện game, lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ là căn bệnh tâm thần đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Nhiều cha mẹ đưa con đến bệnh viện với nỗi bất lực vì không thể khuyên bảo, ngăn cấm được con”, BS. Cương nói. 

           Ảnh nghiện game phải đến bện viện chữa bệnh (ảnh minh hoạ)

     BS.La Đức Cương nhận định: “Game làm biến đổi nhân cách của giới trẻ. Trẻ mê game đánh nhau cũng dễ trở nên bạo lực, hay tức giận, thích làm “người hùng”, giải quyết xung đột bằng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", thậm chí là vũ khí như trong game. Thậm chí, có bệnh nhân bị ám ảnh tình dục sau khi nghiện game sex”. 

     BS.La Đức Cương, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trả lời phỏng vấn.

     Theo BS.Cương, nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm thần. Họ khá nhạy cảm đến mức có thể gây bạo lực nếu bị khiêu khích. Hoặc hết tiền chơi game, người nghiện game có thể trộm cắp, cướp giật, gây án mạng. Cũng có em buồn chán, kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần đến mức muốn chết. Do đó, cha mẹ cần kịp thời đưa con đi khám để được tư vấn và điều trị. 

     Dưới góc độ một chuyên gia an ninh mạng, ông Hoàng Viết Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng, yếu tố thúc đẩy một người rơi vào “cạm bẫy” Internet bao gồm môi trường (được bạn bè rủ rê chơi, sẵn có nơi để chơi, có tiền, nhàn rỗi), chất gây nghiện (Game online, YouTube, Web độc hại…) và yếu tố tâm lý của chính bản thân người chơi. 

     Do đó, các bậc cha mẹ có thể cài đặt những phần mềm chống lại vấn đề truy cập web độc hại. Khi cài phần mềm này, các bậc cha mẹ có thể “khống chế” môi trường chơi của trẻ, thường xuyên giám sát thông tin mà trẻ truy cập vào trang web, biết được trẻ đang “ở đâu” trên thế giới Internet để có những tác động giúp trẻ hiểu được vấn đề hay ngăn ngừa kịp thời.

     Đồng quan điểm với ông Tiến, BS.Cương cho rằng, “nghiện” game cũng giống như mọi chất gây nghiện khác như heroin, rượu bia… khi sử dụng sẽ kích thích sự hưng phấn trong não. Vì thế, nếu bị cấm không chơi game nữa, điều dễ hiểu là người chơi sẽ có những biểu hiện bồn chồn, cáu gắt, trầm cảm, hung hãn… Đến lúc này cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ, ngoài tư vấn tâm lý còn phải dùng thuốc để điều trị. 

N.Giang

Theo Việt Báo
http://vietbao.vn/Cong-nghe/Lieu-thuoc-nao-de-cai-nghien-Game-online/165331176/217/

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Đột quỵ vì xem World Cup thâu đêm



Đột quỵ vì xem World Cup thâu đêm


  • 2
Thức đêm quá nhiều xem bóng đá, nguy cơ đột quỵ với các tín đồ bóng đá rất cao. Mới đây, tại Trung Quốc cũng đã có 3 người đột tử vì xem World Cup.
Những mùa World Cup không hiếm trường hợp phải nhập viện vì đột quỵ do thức nhiều đêm liền xem bóng đá. 
Như mùa World Cup trước, tại bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), các bác sĩ đã phải cấp cứu nhiều trường hợp người cao tuổi bị hạ huyết áp, có người thậm chí bị đột quỵ. Tìm hiểu sau đó, các bệnh nhân đều cho biết vì nghiện bóng đá nên đã thức nhiều đêm liền để xem. Mới đây, tại Trung Quốc cũng đã có 3 người đột tử vì xem World Cup.
Bác sĩ CKII La Đức Cương -Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ cho hay, mùa giải này chưa có bệnh nhân nào nhập viện vì đột quỵ nhưng thức đêm quá nhiều nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ rất lớn.
Thức đêm xem bóng đá lâu ngày dễ bị rối loạn giấc ngủ, ngày ngủ li bì. Người đi làm lả lướt, khó tự điều chỉnh. Nhiều nhất là những người có sẵn bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường, tuy nhiên cũng có một số trường hợp không mắc bệnh lý nhưng suy kiệt vì cố thức quá nhiều đêm liền. Không ít người thức đêm nhưng không quan tâm đến việc ăn uống.
Theo Bác sĩ Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh (bệnh viện 354), vẫn có những người quá mải mê xem bóng đá nên ảnh hưởng tới công việc. Làm việc không đảm bảo thời gian, hiệu quả công việc. Vì sự kiện World Cup mà thức hết đêm này tới đêm khác dẫn tới rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng sức khỏe. Thiếu ngủ lâu ngày sẽ dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm trí nhớ, nóng nảy, cáu bẳn, uể oải, tinh thần sa sút, nếu nặng có thể dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Phúc khuyên, giấc ngủ có ý nghĩa thải độc, cung cấp dinh dưỡng và phục hồi khả năng học tập, làm việc, sinh hoạt. Thời gian ngủ của người trẻ cần đảm bảo ít nhất 6 tiếng/ngày. Đối với người già nên ngủ đảm bảo ít nhất 4 tiếng/ngày. Khi ngủ giấc ngủ phải sâu, không ngủ mơ. Tỉnh dậy, thấy cơ thể khoan khoái dễ chịu, khả năng lưu giữ và tiếp nhận thông tin sẽ nhanh nhạy hơn.
Khẳng định xem bóng đá là một nhu cầu lành mạnh, tuy nhiên các bác sỹ khuyến cáo người có sẵn bệnh tim mạch, huyết áp, phụ nữ có thai, người cao tuổi nên biết cân nhắc, tiết chế thời gian xem đá bóng. Bởi thức khuya liên tục và tính căng thẳng của các trận bóng thường sẽ khiến bệnh trở nặng.
Để tái phục hồi sức khỏe cách tốt nhất là ngủ bù. Giấc ngủ bù hiệu quả nhất là sau khi trận đấu kết thúc cho đến trước giờ bạn phải đi làm sáng. Hoặc là giấc ngủ trưa, từ 30 phút trở lên. Ngủ bù đủ giấc sẽ giúp cơ thể tỉnh táo, lấy lại năng lượng. 
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe trong mùa World Cup, người xem nên ăn uống đủ ba bữa và phải đặc biệt quan tâm đến bữa ăn sáng. Và mọi người cũng không nên ngồi quá lâu để xem đá bóng, nên đi lại vận động để tránh mắc bệnh xương khớp.
 http://giadinh.net.vn/suc-khoe/dot-quy-vi-xem-world-cup-20140621081934944.htm
Theo Hà My/ Gia đình & Xã hội