Nghiện game – căn bệnh âm thầm gây trầm cảm
Thứ Sáu, 10/10/2014, 16:38:00
NDĐT- Năm năm trước, khi đang là du học sinh ở Singapore, N.V.Đ (Gia Lâm – Hà Nội) phải tạm dừng việc học để về Việt Nam điều trị do chứng nghiện game. Trở lại Singapore, tốt nghiệp rồi đi làm, Đ. lại tái nghiện. Nghiện game khiến cho cuộc sống của cậu trở nên khốn khổ, tính cách thay đổi và bị trầm cảm.
Rối loạn tâm thần về nghiện game đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh: kienthuc.net.vn)
Sau khi về Việt Nam cai nghiện thành công, N.V. Đ trở lại Singapore, hoàn thành việc học và xin được việc làm ở một công ty phần mềm. Tuy nhiên, được một thời gian Đ. lại lâm vào cảnh “tái nghiện” game online. Những đêm không ngủ cày game tái diễn, sáng nào cậu cũng đến công ty muộn và trong tình trạng vật vờ thiếu ngủ. Công việc chểnh mảng, tiền lương nhận lại chẳng được bao nhiêu vì bị trừ do thiếu kỷ luật lao động. Mất việc rồi lại xin việc mới, nhưng không công ty nào chịu nhận Đ. lâu cả. Thời gian này, bố Đ. phải nghỉ việc sang Singapore chỉ để “canh” cho con uống thuốc. Nhưng có nhiều hôm Đ. báo ở lại công ty làm việc, thực chất là chơi game không chịu về nhà.
Để tiện quản lý con, bố Đ. “lôi” cậu về Việt Nam. Những ngày ở nhà không có tiền chơi game, Đ. thường lang thang ở ngoài đường, cáu gắt và không muốn tiếp xúc với ai. Cuối cùng, bất lực, bố mẹ cậu phải “cưỡng chế”, buộc cậu vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để điều trị lần thứ hai. Mất ba tháng điều trị nội trú, tình trạng của Đ. khá hơn và được cho về nhà tiếp tục điều trị. Hiện nay, Đ. mới kiếm được việc làm, tuy nhiên Đ. vẫn cục cằn, ít nói.
Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, điều trị chứng nghiện game không khó nhưng sự thay đổi về nhân cách thì khó có thể phục hồi được. Nghiêm trọng hơn, việc nghiện game có thể dẫn đến bệnh trầm cảm, tự sát.
Trường hợp L.P.N, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội là một ví dụ. N. được đưa đến bệnh viện khi phát hiện ra có hành vi tự sát. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ kết luận sinh viên này bị trầm cảm do nghiện game nặng. Sau thời gian điều trị, cách ly với môi trường hằng ngày và phương tiện chơi game, ăn uống điều độ, đúng giờ, N. dần dần tăng cân và hồi phục.
Bác sĩ Cương cho biết, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Những người này thường có tâm lý chán nản, do các trò chơi đối với họ quá đơn giản nên cảm thấy không còn gì thú vị để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách
Bác sĩ La Đức Cương cho biết, rối loạn tâm thần do nghiện game là một trong 10 rối loạn thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có con số điều tra cụ thể, tuy nhiên qua thực tiễn điều trị, số lượng bệnh nhân điều trị tâm thần do nghiện game đang gia tăng theo từng năm và chủ yếu là người trẻ. Thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều do người nghiện game luôn giấu diếm, không chịu thừa nhận. Các bậc cha mẹ thường không chú ý đến vấn đề này và cũng e ngại khi đưa con đến bệnh viện tâm thần điều trị, thường bao che cho con.
Bác sĩ La Đức Cương trả lời phỏng vấn.
“Tôi đã từng mất ba năm kiên trì thuyết phục gia đình một người bạn để họ đưa con đến bệnh viện điều trị, trong khi đó chỉ sau nửa tháng điều trị cháu đã có những chuyển biến kịp thời”, bác sĩ Cương kể.
So với điều trị nghiện rượu hay ma túy, việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc, nguy cơ tái nghiện thấp. Theo thống kê của BV Tâm thần T.Ư 1, có khoảng 1/3 bệnh nhân sau lần điều trị đầu tiên bị tái nghiện, còn sau lần thứ hai thì số bệnh nhân tái nghiện rất ít. Điều trị nghiện game cần phải thay đổi, cách ly môi trường, không cho bệnh nhân tiếp cận với phương tiện chơi game, đồng thời sử dụng thuốc lập lại ăn ngủ.
Tuy nhiên, bác sĩ Cương nhấn mạnh, việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian. Người nghiện game thường thay đổi tính cách như hay nói dối, gắt gỏng, dễ bị kích động, lầm lì, dễ mất bình tĩnh, thích bạo lực, đập phá đồ đạc. Chưa kể, vì không có tiền chơi game, nhiều trẻ sẵn sàng ăn trộm để thỏa mãn nhu cầu. Game âm thầm phá hủy năng lực học tập, nhân cách của trẻ, ảnh hưởng cuộc sống và chất lượng lao động. Ông dẫn chứng nước Nhật gần như mất cả một thế hệ chỉ vì chứng nghiện game.
Hiện nay, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính từ sớm. Nếu hôm nay trẻ chỉ chơi game một phút, rồi chơi tăng lên mỗi ngày, dần dần thời gian dành cho game có thể năm đến sáu tiếng một ngày. Trẻ bị nghiện game từ lúc nào không hay. Nhiều trẻ khi điều trị cho biết, lúc nào cũng có cảm giác màn hình máy vi tính vô hình ở trước mặt mình, mọi tâm trí đều tập trung vào đấy và không có ý thức đến sự việc ở xung quanh.
Theo bác sĩ La Đức Cương, gia đình cần chú ý đến việc chơi game của trẻ. Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm.
AN NGUYÊN
Theo http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/tieu-diem/item/24535602-nhieu-ho-tro-cho-y-te-dien-bien.html